Hỏi đáp
Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp, xin vui lòng gọi điện trực tiếp cho Bác sỹ của chúng tôi.
Nhưng trước hết, có thể bạn nên xem các câu hỏi của những người khác đã được giải đáp trước đó:
Khám sức khỏe định kỳ được các chuyên gia y tế khuyến cáo là một việc làm khoa học và có trách nhiệm đối với sức khoẻ và tính mạng của mỗi người.
Chương trình Khám kiểm tra sức khỏe sẽ cho bạn một bức tranh toàn cảnh về sức khoẻ của mình. Thông qua khám kiểm tra sức khoẻ , bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên cần thiết giúp bạn bảo vệ, tăng cường sức khoẻ và phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh (Có thể bạn cần làm thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán chuyên sâu theo chỉ định của bác sĩ).
Khám sức khoẻ định kỳ được các chuyên gia y tế khuyến cáo là một việc làm khoa học và có trách nhiệm đối với sức khoẻ và tính mạng của mỗi người. Nhưng đến nay, việc làm đó vẫn chưa thực sự được mọi người quan tâm, chú trọng. Khám sức khỏe định kỳ không chỉ giúp phát hiện bệnh sớm, hạn chế những thương tổn, ngăn ngừa biến chứng mà còn tiết kiệm chi phí và thời gian.
Hiện nay, hầu hết các bệnh viện và phòng khám hiện đại trên thế giới đều có dịch vụ khám sức khỏe theo định kỳ cho mọi lứa tuổi. Đây là cách làm tốt nhất để mỗi người tự bảo vệ sức khỏe của mình. Và đây cũng là một phần của phương châm: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Hồi hộp đánh trống ngực là một triệu chứng không đặc hiệu xuất hiện khi có bất thường về nhịp đập của quả tim. Các bất thường về nhịp đập của quả tim như ngoại tâm thu, bỏ nhịp, nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều. Để chẩn đoán chính xác liệu có bất thường về nhịp tim hay không, người bệnh cần được làm điện tim đồ hoặc điện tim đồ ghi trong thời gian 24 giờ. Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng hồi hộp đánh trống ngực như: căng thẳng tâm lý, cường tuyến giáp, tác dụng phụ của một số loại thuốc, bệnh lý động mạch vành, bệnh lý cơ tim hoặc bệnh lý van tim. Đôi khi thầy thuốc không tìm được nguyên nhân gây ra hồi hộp đánh trống ngực, lúc đó cần hỏi xem người bệnh có dùng chất cafein như coffee, chè, cacao, chocolate, soda… hay không, mặt khác cần hỏi về tiền sử sử dụng thuốc như thuốc nhỏ mũi…
Một số biểu hiện thường gặp của bệnh tim mạch được mô tả sau đây:
– Khó thở: là cảm giác khó khăn khi tiến hành động tác thở. Nếu bạn thấy xuất hiện khó thở không tương xức với mức độ hoạt động thể lực, khó thở xuất hiện đột ngột bạn cần phải đi khám bác sỹ.
– Đau thắt ngực: bất kì cơn đau nào như bóp nghẹt ở giữa ngực kéo dài hơn hai phút đều có thể là biểu hiện của bệnh lý tim mạch. Ban cần gọi điện cho bác sỹ và đi khám bệnh ngay lập tức.
– Ngất: một số rối loạn nhịp tim hoặc bệnh lý mạch cảnh… có thể gây ra ngất. Cần cấp cứu người bệnh bị ngất tại chỗ trước khi chuyển người bệnh tới bệnh viện.
– Phù: thường gặp phù mắt cá chân do các bệnh lý tim mạch. Cần đưa người bệnh đi khám để xác định nguyên nhân gây ra phù chân.
– Tím tái: là hiện tượng đổi màu phớt xanh của da và niêm mạc do máu không được bão hòa oxy đầy đủ. Tím tái thường thấy ở đầu các ngón tay và quanh môi. Tương tự như phù, tím tái là một dấu hiệu hơn là một triệu chứng của bệnh tim mạch.
– Đau cách hồi: là một dấu hiệu khá đặc hiệu của bệnh động mạch chi dưới. Người bệnh có biểu hiện mỏi chân và đau hoặc chuột rút khi đi lại, sau khi nghỉ thì đỡ đau chân. Độ dài, quãng đường đi hoặc mức độ đau, thời gian hồi phục phản ánh mức độ nặng nhẹ của bệnh tắc động mạch chi dưới. Cần đưa người bệnh đi khám để điều trị kịp thời.
Một số biểu hiện cảnh báo bệnh lý tim mạch cần cấp cứu như sau:
– Đau thắt ngực: bệnh nhân đau ngực dữ dội, cảm giác bị bóp nghẹt trong lồng ngực, vị trí cơn đau thường ở phía sau xương ức, đau lan lên vai trái, mặt trong cánh tay trái hoặc lan ra sau lưng… Đây là biểu hiện nghi ngờ bệnh nhồi máy cơ tim. Khi gặp người bệnh có biểu hiện triệu chứng như trên, bạn cần gọi người giúp đỡ đồng thời gọi cấp cứu 115 để họ xử trí ban đầu và đưa người bệnh tới bệnh viện, nếu không gọi được cấp cứu 115, bạn cần đưa người bệnh tới bệnh viện ngay lập tức, không để người bệnh tự đi khám.
– Các biểu hiện ngừng tuần hoàn: người bệnh đột ngột ngất xỉu, mất phản ứng xung quanh, gọi hỏi không biết, ngừng thở, tím tái toàn thân, đôi khi có biểu hiện co giật hoặc mềm nhũn, có thể xuất hiện đại tiểu tiện không tự chủ. Bạn cần gọi người hỗ trợ và gọi cấp cứu 115 ngay lập tức. Đồng thời bạn cần ép tim – thổi ngạt cho người bệnh ngay. Tư thế ép tim như sau: người cấp cứu quỳ bên cạnh nạn nhân. Đặt hai tay của người cấp cứu (bàn tay phải trên mu bàn tay trái) lên 1/3 dưới xương ức của nạn nhân, ấn mạnh đồng thời cả hai tay cho lồng ngực nạn nhân xẹp xuống. Bạn cần ép tim liên tục thậm chí không cần động tác hà hơi thổi ngạt nếu bạn một mình cấp cứu nạn nhân.
– Các dấu hiệu đột quỵ: như đột ngột tê hoặc yếu nửa người (một bên tay chân), ngất hoặc hôn mê, mất hoặc rối loạn khả năng nói, rối loạn thị giác, đột ngột mất thăng bằng và phối hợp các động tác, đau đầu dữ dội, nôn không rõ nguyên nhân. Nếu người bệnh có một trong các triệu chứng trên, cần đưa người bệnh tới ngay bệnh viện hoặc phòng cấp cứu gần nhất.
– Khó thở: người bệnh đột ngột khó thở dữ dội, vã mồ hôi. Cần gọi người cấp cứu và gọi cấp cứu 115 ngay lập tức. Đồng thời, bạn cho người bệnh nằm đầu cao, cho người bệnh thở oxy nếu có.
– Đau đột ngột chân hoặc tay: Người bệnh đi đau đột ngột chân hoặc tay, đau dữ dội. Chân hoặc tay đau lạnh, nhợt hơn so với bên đối diện. Đây có thể là biểu hiện tắc động mạch cấp tính của chân hoặc tay. Khi gặp người bệnh có biểu hiện này, bạn cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức để phẫu thuật lấy cục huyết khối trong lòng mạch ở chân hoặc tay của người bệnh.
Hầu hết các bệnh lý tim đều không phải là bệnh di truyền. Một số bệnh lý tim như bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại hoặc hội chứng Brugada … có tính chất gia đình.
Thấp tim hay còn gọi là Thấp khớp cấp hoặc Sốt thấp (Rheumatic Fever) là một trong những bệnh của hệ miễn dịch mô liên kết, nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn liên cầu có khả năng gây tan máu nhóm A (Streptocucus A) tại đường hô hấp trên. Biến chứng thường gặp của Thấp tim là tổn thương van tim trong đó hay gặp nhất là tổn thương van hai là và tổn thương van động mạch chủ. Tổn thương trên van tim có thể gặp hở van tim hoặc hẹp van tim hoặc vừa hẹp vừa hở van tim. Tổn thương van tim là hậu quả của bệnh thấp tim và vì thế bệnh lý này không di truyền cho con cái. Để phòng tránh bệnh thấp tim cần giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh sống ở nơi ẩm thấp, không để nhiễm lạnh cho trẻ em. Một khi trẻ có dấu hiệu của viêm đường hô hấp trên, trẻ cần được điều trị triệt để và sớm. Nếu trẻ có các biểu hiện đau khớp thì cần đưa ngay trẻ đến khám ở các cơ sở y tế.
Động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng nuôi dưỡng quả tim. Tuần hoàn động mạch vành là tuần hoàn dinh dưỡng tim. Mỗi quả tim của chúng ta có hai động mạch vành: động mạch vành phải và động mạch vành trái, các động mạch vành này xuất phát từ gốc động mạch chủ qua các trung gian là các xoang Valsalva và chạy trên bề mặt quả tim. Động mạch vành trái chạy một đoạn ngắn (1 – 3cm) sau đó chia thành 2 nhánh lớn là động mạch liên thất trước và động mach mũ, đoạn ngắn đó được gọi là thân chung động mạch vành. Như vậy, hệ thống động mạch vành có ba nhánh lớn làm nhiệm vụ nuôi dưỡng tim là: động mạch liên thất trước, động mach mũ và động mạch vành phải. Từ ba nhánh lớn này cho ra rất nhiều các nhánh động mạch nhỏ hơn như các nhánh vách, nhánh chéo, nhánh bờ… sẽ có nhiệm vụ mang máu giàu oxy từ động mạch chủ đi nuôi dưỡng tất cả các cấu trúc trong quả tim. Khi bị bệnh lý động mạch vành, dòng máu từ động mạch vành tới cơ tim giảm sút, khi đó cơ tim không nhận đủ oxy và xuất hiện triệu chứng cơn đau thắt ngực.
Trong cuộc đời của mỗi người, trung bình trái tim đập khoảng hai nghìn tỉ lần. Ở người lớn, mỗi phút tim đập trung bình từ 60 đến 100 nhịp. Khi trái tim đập trên 100 nhịp/phút gọi là nhịp tim nhanh, khi trái tim đập dưới 50 nhịp/phút gọi là nhịp tim chậm. Trong lúc ngủ, nhịp tim trung bình của người lớn là từ 50 đến 90 nhịp/phút.
Có người cho rằng nhịp tim khi nghỉ càng chậm (ở tần số cho phép) thì càng khỏe mạnh. Một số người khác cho rằng thước đo sức khỏe của trái tim là thời gian trái tim đập trở lại bình thường sau khi gắng sức, tim càng nhanh chóng đập chậm trở lại sau gắng sức, trái tim của bạn càng khỏe mạnh.
Bạn 30 tuổi, nhịp tim là 90 nhịp/phút là bình thường.
Có nhiều yếu tố trong cuộc sống được chứng minh làm tăng khả năng xuất hiện và tiến triển bệnh lý tim mạch. Những yếu tố này được gọi là yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch. Các yếu tố đó là:
– Hút thuốc: hút thuốc là hoặc hút thuốc lào đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên…
– Ít hoạt động thể lực: lười hoạt động thể lức làm tăng khả năng xuất hiện bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành…
– Thừa cân: thừa cân là yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành. Bạn cần duy trì cân năng ở mức hợp lý.
– Căng thẳng (stress): các căng thẳng trong cuộc sống, các stress tâm lý đều được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
– Tăng cholesterol máu: tăng cholesterol máu làm thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, nó là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh lý động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch chi dưới.
– Tăng huyết áp: tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng, nó là yếu tố nguy cơ làm xuất hiện và tiến triển bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên… Bạn cần điều trị tăng huyết áp theo phác đồ của bác sỹ tim mạch để làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh lý tim mạch.
– Đái tháo đường: bệnh lý này là yếu tố nguy cơ rất mạnh mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch chủ và bệnh động mạch ngoại biên… Nếu bạn bị đái tháo đường, bạn cần tuân thủ điều trị bệnh này nghiêm ngặt để tránh biến chứng tim mạch.
– Yếu tố gia đình: một số bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh lý cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Brugada có tính chất gia đình.
– Tuổi: nam giới trên 55 tuổi hoặc nữ giới trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
– Giới tính nam.
Tập thể dục thường xuyên không những giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch mà còn làm cho bạn cảm thấy khỏe khoắn và thoải mái hơn trong cuộc sống!
Nếu bạn tập thể dục 30 đến 60 phút mỗi ngày và tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần, bạn sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, kiểm soát được các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và béo phì.
Một số nhà nghiên cứu còn chứng minh rằng ngay cả khi bạn tập thể dục với cường độ nhẹ như đi bộ, chăm sóc cây cảnh, làm vườn… bạn cũng đã giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Tập thể dục mặt khác còn giúp bản giảm căng thẳng trong cuộc sống, khỏe hơn, ngủ ngon hơn và ăn ngon miệng hơn.
Trong các hình thức tập thể dục thì đi bộ được chứng minh rất tốt cho sức khỏe tim mạch, bạn có thể đi bộ mọi nơi, mọi lúc với các tốc độ khác nhau.
Các hình thức tập thể dục khác như đi xe đạp, tập yoga, bơi… cũng rất tốt cho tim mạch.
Bạn đừng để vấn đề tuổi tác làm nặng đôi vai mình, người cao tuổi vẫn rất cần tập thể dục, hãy trao đổi với bác sỹ của bạn về hình thức, thời gian tập thể dục.
Bạn nên ngừng tập thể dục nếu bạn cảm thấy: đau ngực, đau lưng, đau vai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, mệt, nhịp tim đập nhanh hoặc đập chậm… hoặc khi bạn thấy bạn bị nói ngắt quãng khi đang tập thể dục.
Các nhà khoa học chứng minh chế độ ăn hợp lý sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Một số điểm cần lưu ý trong chế độ ăn phù hợp với sức khỏe tim mạch như sau:
– Giảm muối: chế độ ăn giảm muối giúp giảm và kiểm soát tăng huyết áp.
– Giàu kali: thiếu kali làm ảnh hưởng tới huyết áp, gây rối loạn nhịp tim. Chế độ ăn bổ sung kali giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn. Các thức ăn giàu kali bao gồm chuối, cam, lê, mận chín…
– Nhiều rau, trái cây, ngũ cốc..
– Tránh thức ăn chế biến sẵn.
– Dùng dầu ăn thay vì dùng mỡ động vật để tránh chất béo bão hòa.
– Mua thịt chưa chế biến, bạn chế biến bằng đồ không có chất béo bão hòa và transfat.
– Tránh thức ăn và đồ uống có nhiều đường.
– Bạn đừng dùng bơ kèm mayonaise khi chế biến thức ăn, bạn chỉ nên dùng một trong hai thứ này mà thôi.
– Bạn có thể uống rượu với lượng rượu vừa phải
– Nếu có thể, bạn nên đến bác sỹ dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn hợp lý.
– Chế độ ăn vùng Địa Trung Hải giúp làm giảm yếu tố nguy cơ tim mạch. Nguyên lý của chế độ ăn này là: nhiều rau, nhiều quả, nhiều cá ăn kèm với bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, đậu, củ, sữa chua… ngoài ra chế độ ăn này có rất ít thịt, ít chất béo (bơ, dầu dừa, dầu cọ, thịt) thay vào đó là nhiều chất béo không bão hòa (dầu ôliu); cuối cùng chế độ ăn này kèm theo một chút rượu đỏ.
Có nhiều người cho rằng nếu bị bệnh tim mạch thì không nên uống rượu dù chỉ một chút rượu cũng không được. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng uống một chút rượu, đặc biệt là rượu vang đỏ trong bữa ăn rất có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Uống rượu vang đỏ với một lượng vừa phải giúp cải thiện sức khỏe tim mạch do rượu vang đỏ có khả năng:
– Tăng HDL (một loại cholesterol có lợi cho tim mạch do làm giảm xơ vữa động mạch).
– Giảm huyết áp.
– Ngăn cản hình thành huyết khối.
– Ngăn ngừa quá trình xơ vữa động mạch gây ra bởi LDL (loại cholesterol xấu).
Vậy, uống rượu bao nhiêu rượu vang đỏ là đủ? Bạn nên uống 2 – 3 ly rượu vang mỗi ngày. Một nghiên cứu tại đại học Bordeaux (Pháp) chứng minh rằng, với một lượng rượu vang như vậy, bạn sẽ giảm được 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, 35% nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch, 18 – 24% nguy cơ tử vong do ung thư. Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nữ giới và nam giới trên 65 tuôi không nên uống quá 5 – ounce rượu hàng ngày, nam giới dưới 65 tuổi không nên uống quá 5 ounce rượu mỗi ngày. Người ta thấy rằng rượu vang đỏ có các chất chống quá trình oxi hóa và giúp bảo vệ mạch máu và trái tim.
Một vài thập kỷ gần đây, các nhà khoa học tiến hành nhiều nghiên cứu nhằm tìm hiểu việc uống café mang lại lợi ích hay mang đến nguy cơ cho sức khỏe trái tim. Các nhà khoa học chứng minh rằng uống café với một lượng vừa phải (một vài cốc mỗi ngày) là có lợi cho tim mạch do café có thể mang lại một số lợi ích sau:
– Café có thể làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2
– Café có thể làm giảm nguy cơ bị sỏi mật
– Café có thể làm giảm khả năng mắc ung thư đại tràng
– Café làm tăng khả năng nhận thức
– Café làm giảm nguy cơ tổn thương gan ở những bệnh nhân bị bệnh gan
– Café làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson
– Café còn làm tăng khả năng dẻo dai của vận động viên
Café có các lợi ích đó do hạt café chứa nhiều chất chống oxi hóa từ đó giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, ung thư, đái tháo đường, đột quỵ. Tuy nhiên, café cũng có một số nhược điểm sau:
– Trong thành phần của café có cafein là một chất gây nghiện mức độ nhẹ. Sử dụng quá nhiều café có thể gây ra hồi hộp, bồn chồn, run tay chân cho một số người. Mặt khác, cafein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim. Uống quá nhiều café có thể làm tăng cholesterol.
Hầu hết các nghiên cứu lớn chứng minh rằng rất ít người gặp phải các tác dụng khó chịu của café. Vì vậy, bạn có thể uống café với một lượng vừa phải mỗi ngày.
Đúng, tim bẩm sinh là một bệnh lý khá nặng ở trẻ sơ sinh. Bất thường trong hoạt động của hệ thống tim mạch ảnh hưởng đến hoạt động các cơ quan khác và đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào loại dị tật tim bẩm sinh trẻ mắc. Ngày nay, nếu con của bạn sinh ra có dị tật ở tim thì cơ hội dị tật được giải quyết và đứa trẻ có thể phát triển bình thường là rất lớn. Những tiến bộ gần đây trong chẩn đoán và can thiệp điều trị đã có thể sửa chữa rất nhiều thể dị tật thậm chí là cả những dị tật mà trước đây đã coi là không thể làm gì được. Những tiến bộ về Tim mạch can thiệp và Phẫu thuật tim mạch đang tiếp tục phát triển mạnh, phạm vi các dị tật có thể được sửa chữa sẽ ngày càng mở rộng.
Phân loại dị tật tim bẩm sinh rất phức tạp; một cách thường được áp là cách chia bệnh tim bẩm sinh có tím và không có tím…. Trong quá trình phát triển bào thai bình thường, các cơ quan sẽ hình thành dần và thường hoàn thiện vào cuối tháng thứ ba của quá trình thai nghén. Vì một lý do nào đó sự phát triển của tim không diễn ra bình thường dẫn đến sai lệch về cấu trúc và chức năng gọi là dị tật tim bẩm sinh.
Những dị tật này có thể đơn độc như có các lỗ thông trong tim giữa hai ngăn của tim phải và trái (ví dụ: thông liên nhĩ, thông liên thất); còn tồn tại ống động mạch; bị hẹp các van tim; teo tịt các van tim… Tuy nhiên, khá nhiều trường hợp là có sự kèm theo nhiều dị tật cùng một lúc như tứ chứng Fallot. Cũng có khi dị tật là một sự đảo ngược các gốc động mạch lớn gây ra sự hỗn loạn toàn bộ của hệ thống tuần hoàn.
Hầu hết các dị tật tim thường khá đơn giản hoặc có thể chữa được khỏi nếu được phát hiện sớm. Tuy vậy, có một số dị tật bẩm sinh nặng có thể làm đứa trẻ chết ngay khi sinh ra hoặc chết rất sớm nếu không được can thiệp ngay từ thời kỳ bào thai.
Hở van tim tức là tình trạng van tim đóng không kín làm dòng máu trào ngược lại buồng tim do vậy tim phải co bóp nhiều hơn. Tim có nhiều cách để thích nghi với tình trạng này:
Đầu tiên các buồng tim có xu hướng giãn ra để tống được một lượng máu nhiều hơn vì một phần lượng máu tim bơm ra khắp cơ thể bị trào ngược trở lại qua van. Cơ chế bù trừ này khá hiệu quả trong trường hợp dòng hở vừa hoặc nhẹ và người bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng nào. Trong trường hợp nặng, cơ tim có thể bị suy yếu và suy tim ứ huyết sẽ xuất hiện với các triệu chứng: khó thở, phù mắt cá chân… Các buồng tim giãn có thể dẫn tới loạn nhịp.
Hở van tim có phải phẫu thuật không?
Hở van hai lá chỉ định phẫu thuật dựa vào: Mức độ hở van: định lượng dựa trên siêu âm tim hay chụp buồng tim kết hợp với các triệu chứng cơ năng của suy tim hoặc sự tiến triển của hở van 2 lá và mức độ suy tim.
– Hở van 2 lá mức độ nặng (độ 3,4) có kèm theo triệu chứng cơ năng của suy tim thì cần phẫu thuật ngay.
– Hở van hai lá nặng (độ 3, 4) nhưng các triệu chứng cơ năng nhẹ (khó thở khi gắng sức) cần theo dõi sát.
– Nếu đường kính tim trái ngày càng lớn (nhĩ trái, thất trái), hoặc xuất hiện rung nhĩ thì cần phẫu thuật ngoại khoa.