Hẹp van hai lá: Nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và phòng ngừa!

Hẹp van hai lá là bệnh lý tiến triển liên tục kéo dài cả đời, lúc đầu bệnh diễn biến không triệu chứng, nhưng sẽ tiềm ẩn nguy cơ về sau. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh như: tăng áp phổi, suy tim, rung nhĩ, đột quỵ,…

Hẹp van hai lá là gì?

Hẹp van hai lá là tình trạng bất thường của van tim hai lá khi không thể mở hoàn toàn để máu đổ từ buồng tim phía trên bên trái (tâm nhĩ trái) xuống buồng tim phía dưới (tâm thất trái). Điều này khiến cho một lượng máu ứ lại tâm nhĩ trái, tăng áp lực và khiến máu ứ tại phổi gây mệt và khó thở.

Tim hoạt động như thế nào?

Trái tim là trung tâm của hệ tuần hoàn, gồm có 4 buồng, 2 buồng phía trên (buồng nhĩ) dùng để nhận máu, 2 buồng tim dưới (buồng thất) dùng để bơm máu.

Hệ thống van tim bao gồm: van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi có vai trò mở và đóng để dòng máu chỉ đi một chiều trong quả tim.

Van hai lá mở khi dòng máu từ nhĩ trái xuống thất trái, hai lá van đóng lại để ngăn dòng máu chảy ngược về nhĩ trái, khi van hai lá bị tổn thương thì chức năng đóng hoặc mở hoàn toàn bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây hẹp van hai lá

Ở các nước đang phát triển, nguyên nhân gây hẹp van hai lá ở người trưởng thành thường do sốt thấp khớp hay viêm nội tâm mạc liên quan đến liên cầu khuẩn tan máu nhóm A (hẹp van 2 lá hậu thấp). Tình trạng này gây dày dính van tim và dẫn tới hệ lụy hẹp van sau khoảng 5-10 năm mắc bệnh.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác dẫn đến hẹp van hai lá ở người trưởng thành như:

  • Vôi hóa vòng van tim: canxi tích tụ xung quanh van, làm mất sự đàn hồi, mềm mại khiến khả năng mở van bị hạn chế.
  • Bệnh tự miễn như: lupus ban đỏ hệ thống hay viêm đa khớp dạng thấp.
  • Hội chứng rối loạn nội tiết và chuyển hóa U carcinoid.

Ở trẻ nhỏ, hẹp van hai lá thường do các dị tật bẩm sinh như: van hai lá hình dù, vòng thắt trên van hoặc là bệnh thứ phát sau khi mắc bệnh tim bẩm sinh khác.

Triệu chứng hẹp van 2 lá

Hẹp van hai lá thường có rất ít triệu chứng, bệnh tiến triển chậm trong nhiều năm, người bệnh thường chỉ tình cờ phát hiện khi đi siêu âm tim. Khi bệnh diễn tiến nặng dần, người bệnh cần khám tim mạch nếu xuất hiện một trong các triệu chứng sau: (2)

  • Khó thở khi gắng sức hoặc khó thở kịch phát về đêm;
  • Mệt mỏi và dễ cảm thấy đuối sức khi hoạt động gắng sức như chạy bộ, leo cầu thang;
  • Phù chân;
  • Hồi hộp, tim đập nhanh;
  • Chóng mặt hoặc ngất;
  • Ho ra máu;
  • Đau và khó chịu vùng ngực

Các triệu chứng bệnh sẽ tăng mức độ khi nhịp tim tăng, đặc biệt là khi người bệnh gắng sức. Nhịp tim tăng nhanh có thể đi cùng với triệu chứng của hẹp van hai lá hoặc có thể khởi phát khi bệnh nhân có thai hoặc căng thẳng hoặc nhiễm trùng.

Theo BS.CKII Trần Thị Thanh Trúc cho biết, trong hẹp van hai lá, khi áp lực trong buồng tim tăng sẽ ảnh hưởng đến phổi dẫn tới khó thở và sung huyết phổi. Triệu chứng của bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào và phổ biến ở độ tuổi 15-40.

Khi thăm khám, các bác sĩ sẽ phát hiện hẹp van hai lá qua:

  • Âm thổi ở tim
  • Sung huyết phổi
  • Nhịp tim không đều (chứng rối loạn nhịp tim)

Các mức độ đánh giá van hai lá

Tiêu chí để đánh giá mức độ nặng của hẹp van hai lá dựa vào các thông số siêu âm tim như mức độ chênh áp trung bình van hai lá, áp lực động mạch phổi và diện tích lỗ van. Đặc điểm của các mức độ hẹp cụ thể được chia ra nhẹ, vừa, và nặng như bảng bên dưới:

Yếu tố nguy cơ

Bệnh hẹp van 2 lá tuy ít gặp trong những năm gần đây bởi sốt do liên cầu khuẩn có xu hướng giảm, tuy nhiên ở các nước đang phát triển thì bệnh lý này vẫn còn tồn tại.

Ngoài những người có tiền sử sốt thấp khớp hay mắc các bệnh tự miễn, thì người cao tuổi, người hút thuốc lá, mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Biến chứng của hẹp van hai lá

Hẹp van hai lá luôn là bệnh lý tiềm ẩn rủi ro, bởi người bệnh luôn phải đối mặt với những biến chứng cấp tính, ngay cả khi bệnh chưa được phát hiện hoặc đang trong quá trình điều trị, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại các biến chứng nguy hiểm:

  • Tăng áp lực động mạch phổi: khi van 2 lá bị hẹp, áp lực máu tăng trong những động mạch phổi, khiến quá trình vận chuyển máu từ tim đến phổi tăng quá cao, máu có thể trào ngược vào phổi gây phù phổi cấp.
  • Suy tim: khi van hai lá bị hẹp, áp lực mạch máu trong phổi gia tăng, dẫn đến ứ dịch, tình trạng này làm căng tim phải, dẫn đến suy tim phải. Khi lượng dịch và máu trở về phổi gia tăng sẽ gây nên phù phổi, tình trạng khó thở và ho khạc ra máu.
  • Tim to: Khi áp lực trong tim gia tăng do tình trạng hẹp van hai lá, dẫn đến lớn nhĩ.
  • Rung nhĩ: khi nhĩ trái lớn sẽ dẫn tới nhịp tim không đều, tâm nhĩ co bóp nhanh và hỗn độn.

Cục máu đông: thời gian ứ máu càng lâu, rung nhĩ nếu không được điều trị đúng sẽ hình thành cục máu đông trong tâm nhĩ trái, cục máu đông này có nguy cơ vỡ và theo dòng máu đi khắp nơi trong cơ thể và nếu gây tắc nghẽn tại mạch máu trong não, bệnh nhân sẽ bị nhồi máu não, đột quỵ.

Khi nào cần đi khám Bác sĩ?

Người bệnh nên đi khám hoặc nhập viện ngay khi xuất hiện các triệu chứng khó thở, mệt khi gắng sức thể lực, hồi hộp, hoặc đau ngực. Nếu người bệnh đã được chẩn đoán hẹp van hai lá nhưng chưa có triệu chứng, nên trao đổi với bác sĩ về kế hoạch theo dõi và điều trị trong tương lai. Cần lưu ý rằng, hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và hướng xử trí tốt nhất.

Chẩn đoán hẹp van hai lá như thế nào?

Để chẩn đoán chính xác tình trạng hẹp van hai lá, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám, dùng ống nghe để nghe tim, nghe phổi và tiến hành làm các xét nghiệm. Các phương pháp cận lâm sàng gồm:

  • Siêu âm tim: là phương tiện giúp xác định chẩn đoán hẹp van hai lá.
  • Siêu âm tim qua đường thực quản: gần giống nội soi, đưa đầu dò vào đường thực quản để khảo sát kỹ càng hơn những hình ảnh mà siêu âm tim qua thành ngực hạn chế khảo sát.
  • Điện tâm đồ: xác định nhịp tim và rối loạn nhịp tim, hoặc sẽ cần làm điện tâm đồ gắng sức để xem đáp ứng của tim với tình trạng gắng sức.
  • Chụp X-quang ngực: khảo sát tim to và sung huyết phổi.
  • Thông tim: tùy tình trạng, đây không là chỉ định bắt buộc.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán các bệnh lý khác để xác định tình trạng bệnh van tim, để giúp tìm phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *